Sunday, March 9, 2014

Môn Đệ Giê-su!



          Trong năm vừa qua, thế giới đã xảy ra 2 sự kiện rất lớn gắn liền với 2 con người rất nỗi tiếng.  Sự kiện thứ nhất đó là cái chết của vị tổng thống Venezuela, Hugo Chavez. Ông đã được vinh danh bởi biết bao người dân Venezuela. Phe ủng hộ ông đã đến cầu nguyện và xót xa tiễn đưa một vị lãnh đạo quốc gia vừa có tài vừa có đức. Trong suốt thời gian đương nhiệm, ông đã có nhiều chính sách để nâng cao mức sống của người dân nghèo; và tỉ lệ nghèo đói trong quốc gia đã giảm từ 48.6% năm 2002 xuống 29.5% trong năm 2011. Tuy nhiên, ông đã bị rất nhiều người chỉ trích và lên án rằng, ông là người đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống chính trị quốc gia từ thể chế cộng hòa sang thể chế xã hội; và đã gây chia rẽ trong đảng phái chính trị cũng như cấu kết với những đảng phái xã hội khác.

Sự kiện lớn thứ 2 đó là Giáo Hội công giáo đã bầu chọn được một vị Tân Giáo Hoàng, ĐTC Phanxico đệ nhất. Hàng triệu người Công Giáo và không Công Giáo đã hướng về Vatican với tràn trề hy vọng một Tân Giáo Hoàng tài giỏi và thánh thiện để dẫn dắt con thuyền Giáo Hội và ảnh hưởng lớn lao cho công lý và hòa bình của toàn thế giới. Hàng loạt tin tức và bình luận trong những ngày gần đó cho thấy rằng, mọi người cho dù Công Giáo hay không Công Giáo rất là hài lòng với cuộc bầu chọn lần này. Một vị Tân Giáo Hoàng khiêm nhường, có lối sống giản dị và rất quan tâm tới người nghèo. Khi còn là một Hồng Y, Ngài chọn sống đơn giản trong một căn hộ bình thường; Ngài tự nấu ăn cho chính mình và đi làm việc bằng xe bus. Ngài quan tâm và viếng thăm người nghèo và người bệnh tật thường xuyên. Tuy nhiên, Ngài vẫn đang bị chỉ trích và buộc trách nhiệm bởi một số người Á Căng Đình. Khi ngài còn là Đức Giám Mục của thủ phủ Buenos Aires, ngài đã không lên tiếng để bảo vệ 2 lm Dòng Tên khỏi bị tù đày và tra tấn, khi họ lên tiếng chống đối chế độ độc tài của chính quyền lúc bấy giờ.

Qua 2 sự kiện này, chúng ta tự hỏi rằng, tại sao lại có những chống đối như thế? Chúng ta thấy một điểm chung giữa 2 Vị lãnh đạo này: họ vừa là nhà đại diện cho tôn giáo và cũng là đại diện cho một thể chế chính trị. Cho nên, họ luôn có những phe ủng hộ và những phe chống đối. Vậy, dưới cái nhìn của một người công giáo, chúng ta phải sống và hoạt động như thế nào để chứng tỏ là chúng ta đang sống đức tin công giáo một cách sâu sắc, chứ không phải chỉ là một nhà hoạt động xã hội đơn thuần. Tôi xin mượn đại ý của ĐTC trong bài giảng đầu tiên của Ngài để trả lời cho câu hỏi này. Trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta phải tuyên xưng và loan truyền Đức Giê-su Ki-tô là con của một Thiên Chúa sống động. Trong mọi việc chúng ta làm để tuyên xưng Đức Ki-tô, chúng ta phải vác lấy chính thập giá của mình. Nếu chúng ta tuyên xưng DKT mà không ôm trọn thập giá thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa; chúng ta chỉ đơn thuần thuộc về thế gian.

Thông điệp Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng, trong vai trò của Chúa Giê-su, Ngài vừa là đại diện cho tôn giáo với lòng nhân từ, xót thương, và tha thứ, nhưng Ngài cũng là người học thấu đáo về luật Môi-sê và giảng dạy khắp nơi về luật này. Những nhà luật sĩ đã mang tới cho Ngài một người đàn bà ngoại tình và yêu cầu ngài xét xử. Họ luôn chống đối Ngài và muốn đưa Ngài vào thế khó xử để rồi lên án và tố cáo người.

Chúng ta thấy rõ rằng, không phải vì sự kích động của thế lực chính trị, mà Chúa Giê-su đã xử phạt ném đá ngay người phụ nữ ngoại tình. Tuy nhiên, Ngài đã tỏ lòng yêu thương và tha thứ cho người đàn bà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngài đã tuyên xưng cho chúng ta một Thiên Chúa sống động đang hiện diện, một Thiên Chúa đầy lòng xót thương và một Thiên Chúa vị tha. Vâng! Giê-su đã ôm trọn cây Thánh Giá của mình khi Ngài đối diện với thực trạng này. Ngài có thể bị buộc tội là chống lại luật Mô-sê. Ngài có thể bị xem thường là một người không biết luật. Ngài có thể nhận lãnh cái chết nếu như Ngài xử người đàn bà này vô tội.

Với một câu nói đơn giản nhưng đầy ơn khôn ngoan, “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”, Chúa Giê-su đã vạch ra cho đám đông thấy chính cây thánh giá của họ. Tội lỗi, vô tâm, ganh ghét, bảo thủ là những cây thánh giá to lớn của họ. Họ có thể là những nhà làm luật và hoạt động chính trị, nhưng không thể là môn đệ thực sự của Thiên Chúa. Bởi vì họ không loan truyền một Thiên Chúa yêu thương và Tha thứ. Họ không muốn mất công, mất thời gian, và danh dự để đứng về phía những người bị xã hội đàn áp.

Tôi càng thấy lời của ĐTC thật quá sâu sắc, nếu chúng ta không vác lấy thập giá của chúng ta để tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, chúng ta chỉ đơn thuần là con người của thế gian. Lời của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Philipphe quả thật đã chứng thực điều này: “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi... không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người.”

Trong cuộc sống, rất nhiều lần chúng ta rơi vào tình trạng khó xử như chúa Giê-su hôm nay. Chúng ta không biết nên dựa theo lý trí luật lệ hay là dựa vào tình cảm và mối quan hệ của ta để xử lý. Đôi lúc chúng ta tổn thương nặng nề lẫn nhau bởi vì chúng ta buộc phải dùng luật lệ để giải quyết. Có những mối bất hòa không thể hóa giải vì luật lệ và nội quy hết sức tàn nhẫn, đã đưa người khác vào bước đường cùng của cuộc đời. Một số người trong chúng ta là người Công Giáo làm việc trong những cơ quan và trụ sở, phải rõ ràng trắng đen với chính sách và luật lệ. Lương tâm của chúng ta áy náy bởi vì việc sử dụng luật lệ đôi lúc đi ngược lại đức tin Công Giáo của chúng ta.

Hôm nay, một lần nữa, chúng ta nhìn lại mẫu gương Chúa Giê-su đối xử với người phụ nữ ngoại tình, chúng ta thấy sự quả quyết của thánh Phao-lô trong việc tuyên xưng niềm tin vào vị Thầy Chí Thánh, chúng ta nên học và xác tín cùng với ĐứcTC Phanxico rằng, tất cả mọi việc chúng ta làm là để tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô với tâm hồn sẵn sàng vác cây thánh giá của sự hy sinh, thiệt thòi, và mất mát. Nếu chúng ta không vác Thánh giá, nói như ĐTC, cho dù chúng có là các Đức Giám Mục, linh mục, Đức Hồng Y, hay Đức Giáo Hoàng, nhưng chúng ta vẫn không phải là những môn đệ của Chúa. 

No comments:

Post a Comment